Trồng và chăm sóc cây ba kích

Cây Ba kích tím

Ba Kích là loại cây chịu bóng, mọc tốt ở các vùng đất khác nhau kể cả nơi đất nghèo kiệt, vùng có độ tàn che thấp (0,3-0,5). Thấy có ở khắp nơi thuộc Bắc bộ, phổ biến ở nơi có nhiệt độ mùa lạnh 8-25oC và mùa nóng từ 25-38oC. Lượng mưa hàng năm trên dưới 2.000mm, đất ẩm, thoát nước tốt.

Tên phổ thông: Ba kích

Tên khác: Ba kích thiên, Dây ruột gà.

Tên khoa học: Morinda officinalis How.

Họ: Cà phê (Rubiaceae)

Cây ba kích
Cây ba kích

Cây thân leo quấn, sống nhiều năm. Ngọn có cạnh, màu tím, có lông, khi già thì nhẵn. Lá mọc đối, hình mác hoặc bầu dục thuôn nhọn; phiến lá cứng có lông tập trung ở mép và ở gân, khi già ít lông, màu trắng mốc, cuống ngắn. Lá kèm mỏng ôm sát vào thân. Hoa nhỏ tập trung thành tán ở đầu cành, lúc mới nở màu trắng, sau hơi vàng; tràng hoa liền ở phía dưới thành ống ngắn, có từ 2-10 cánh hoa, 4 nhị. Quả hình cầu có cuống riêng rẽ, khi chín màu đỏ mang đài tồn tại ở đỉnh. Mùa hoa tháng 5-6, mùa quả tháng 7-12. Rễ củ xoắn như ruột gà dài 15-20cm, to 1-2cm chia nhiều đoạn to thắt đều đặn.

Ba Kích là loại cây chịu bóng, mọc tốt ở các vùng đất khác nhau kể cả nơi đất nghèo kiệt, vùng có độ tàn che thấp (0,3-0,5). Thấy có ở khắp nơi thuộc Bắc bộ, phổ biến ở nơi có nhiệt độ mùa lạnh 8-25oC và mùa nóng từ 25-38oC. Lượng mưa hàng năm trên dưới 2.000mm, đất ẩm, thoát nước tốt.

Cây thường mọc hoang ở vùng đồi, núi thấp các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc nước ta như: Lạng Sơn, Hà Giang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Bắc Giang, Quảng Ninh. Ở Thừa Thiên Huế bắt gặp tại xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền.

Dùng làm thuốc có tác dụng bổ trí não, trợ dương, ích tinh, mạnh gân cốt; Trị thận hư, liệt dương, di tinh, mộng tinh, lãnh cảm, lưng gối mỏi, tê bại, phong thấp, thần kinh suy nhược, mất ngủ, tiểu tiện không tự chủ, tử cung lạnh, kinh nguyệt không đều, bị trúng phong, ho suyễn, chóng mặt, tiêu chảy, người già mỏi mệt, kém ăn, ít ngủ….

Cây thuộc Sách Đỏ Việt Nam (2007). Bị khai thác quá mức để làm thuốc và phá rừng làm nương rẫy. Cần có kế hoạch bảo tồn và tích cực phát triển gây trồng.

+ Nguồn giống và gieo ươm: Tạo cây con từ hạt: Lấy giống hạt giống những cây từ 5 tuổi trở lên, chọn quả chín đỏ lấy về ủ vài ngày cho chín nhũn rồi đem chà xát và rửa sạch, đãi lấy hạt phơi khô, gieo hạt trên khay cát hoặc trên luống theo rạch cách nhau 15cm, lấp đất kín hạt dày 3-5cm, phủ rơm rạ và tưới nước đủ ẩm. Khi hạt mọc đều thì nhổ cây cấy vào bầu. Cũng có thể gieo hạt thẳng vào bầu có thành phần 78% đất mặt tốt với 20% phân chuồng hoai mục và 2% Supe lân theo khối lượng. Tạo cây con từ hom: lấy hom từ cây mẹ 3 năm tuổi trở lên, đoạn từ gốc đến hết phần bánh tẻ của thân, chọn cắt thành từng đoạn dài 25-35cm, to trên 3mm, có từ 1-3 lóng gồm 2-4 mắt, cắt bỏ bớt lá, ươm hom vào bầu hay trên luống đã chuẩn bị sẵn theo rạch, cắm hom sâu 7-10cm, rạch nọ cách rạch kia 20-30cm. Che bóng và tưới nước ẩm thường xuyên, sau 20-25 ngày hom ra rễ và nảy chồi. Khi chồi thứ cấp đạt chiều cao 20-25cm, có 5-6 cặp lá trở lên và bộ rễ đã ổn định có thể bứng đem trồng.

+ Chọn đất trồng: Đất ẩm mát và thoát nước, thành phần cơ giới trung bình, tầng dày trên 0,5m, nhiều mùn, tơi xốp, thoát nước tốt; đất dưới tán rừng hay vườn cây. Trồng tốt nhất là dưới tán rừng trồng, rừng tự nhiên, trồng dưới tán cây ăn quả đã khép tán, có độ tàn che 0,3 – 0,5; ở nơi đất trống cần trồng cây che phủ.

+ Làm đất, bón phân: Phát dọn cục bộ quanh hố trồng đường kính 1m, để lại cây làm giá đỡ cho Ba Kích bám leo, hố đào kích thước 40 x 40 x 40cm, bón lót 3-5kg phân chuồng hoai và 0,2kg supe lân mỗi hố. Cự ly giữa các hố khoảng 1,5 x 1,5m hay 1 x 2m.

+ Trồng và chăm sóc: Khi trồng chọn ngày râm mát hoặc có mưa vào vụ xuân hoặc vụ thu. Trộn đều phân với đất rồi trồng mỗi hố một cây, xé bỏ bầu, lấp đất kín, nén chặt xung quanh gốc. Phủ thảm mục hoặc rơm rạ lên kín miệng hố để giữ ẩm và hạn chế cỏ dại. Khi cây đã vươn cao, cần cắm que làm giá thể cho cây leo.Sau khi cây trồng đã phát triển ổn định, kiểm tra để dặm lại những cây bị chết, làm cỏ, xới đất quanh gốc và bón thúc theo định kỳ, thường xuyên theo dõi phòng trừ sâu bệnh và bảo vệ cây trồng. Thông thường mỗi năm 2 lần phát cây cỏ xâm lấn và vun xới quanh gốc với đường kính 0,8m, vun xới đất kết hợp với bón phân chuồng hoặc NPK. Chú ý điều chỉnh độ che phủ 40-50%.

Thường thu hoạch sau 3 năm trồng; Để lâu lâu hơn có thể cho năng suất và chất lượng tốt hơn. Đào lấy củ, rửa sạch, phơi nắng nhẹ hay sấy ở nhiệt độ thấp cho đến thật khô.

Bảo quản: Bao gói kỹ để giữ hương vị, cất trữ nơi khô ráo, thoáng mát.

+ Các sản phẩm dược liệu cần được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP: Hữu cơ, sạch, an toàn, thân thiện với môi trường, có lợi cho sức khỏe cộng đồng và người tiêu dùng.

Lưu ý các bài thuốc dân gian được giới thiệu trong bài viết này được chép lại từ các sách y học cổ truyền. KHÔNG ĐƯỢC TỰ Ý SỬ DỤNG KHI CHƯA CÓ Ý KIẾN CỦA BÁC SỸ hoặc các chuyên gia y học. Chúng tôi không chịu bất kỳ trách nhiệm gì nếu các bạn tự ý làm theo.
Món ăn – bài thuốc có củ mài